Xã hội

Những đổi thay sau 8 năm hợp nhất của 3 xã miền núi huyện Thạch Thất

(07:21:00 31/07/2016) Ba xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung trước 01/8/2008 là những xã thuộc diện khá của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, tuy nhiên đời sống của bà con nhân dân còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội còn yếu kém, lạc hậu. Thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội XII, hợp nhất địa giới hành chính về với Thạch Thất, về với Thủ đô Hà Nội ba xã miền núi hôm nay đã thực sự thay da đổi thịt, khoác trên mình một diện mạo mới các xã nông thôn mới.

 Đi trên con đường trải nhựa rộng rãi đến trung tâm ba xã, những con đường bê tông về các thôn xóm cảnh nắng bụi, mưa lầy giờ chỉ còn trong ký ức. Màu xanh tươi của những cánh đồng lúa, ngô giống mới năng xuất, chất lượng cao; màu xanh bát ngát của rừng keo, đồi chè; hệ thống kênh mương thuỷ lợi trải dài đã được kiên cố hóa; trường học khang trang ríu rit tiếng trẻ, các nhà văn hóa vang tiếng cồng chiêng, đầy ắp tiếng cười, khung cảnh ấy cho thấy bức tranh kinh tế - xã hội của ba xã miền núi đang ngày càng khởi sắc.

 

Trong những năm qua, 3 xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung đã được Thành phố và huyện Thạch Thất quan tâm, đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng với tổng mức đầu tư gần 425 tỷ đồng, chiếm 16% tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản trong toàn huyện. Thành phố đã đầu tư 150 tỷ đồng, nâng cấp đường tỉnh lộ 446 và một số tuyến đường liên xã, tỷ lệ đường liên thôn, liên xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 75%. Ba xã đã được đầu tư 43,9 tỷ đồng để củng cố, cứng hóa hệ thống kênh mương thủy lợi như: Vai Gò Dọc; kênh mương Hồ Lụa; kênh mương thôn Luồng; Cửa Làng…Những công trình trên cùng với 5 hồ chứa nước trong vùng được khai thác, đã từng bước khắc phục khó khăn về nước tưới của đồng đất đồi rừng, đồng ruộng bậc thang, giúp bà con từng bước áp dụng được những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản suất, trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế.

 

 

 Song song với đó, hệ thống mạng lưới điện được đầu tư trên 25 tỷ đồng, hệ thống đường dây hạ thế được cải tạo, nâng cấp, đảm bảo tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển sản xuất và điện thắp sáng của 100% hộ dân trong vùng.

Thực hiện Kế hoạch số 166 của thành phố Hà nội, phòng Dân tộc huyện đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, ký hợp đồng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong SXNN với Viện lương thực và cây thực phẩm; Trung tâm cây có củ, Viện cơ khí thuộc Học viện nông nghiệp Việt Nam tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có tiềm năng, năng suất giá trị kinh tế cao vào sản xuất như: Mô hình trồng hoa Ly; Thanh Long ruột đỏ; rau an toàn; bưởi Da Xanh; Ớt, Chè búp…Do áp dụng những kỹ thuật mới trong sản xuất nên năng suất và sản lượng lúa ở cả 3 xã đã tăng lên rõ rệt, từ 48 tạ/ha năm 2007 lên trên 60 tạ/ha năm 2015.

 

Với lợi thế có đồng đất đồi rừng rộng lớn, nên ngành chăn nuôi cũng đã được 3 xã phát huy, khai thác, tổng đàn trâu bò ở 3 xã trên 4.000 con. Nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao như: Lợn rừng, Nhím, Gà đồi được bà con chăn nuôi với số lượng lớn, cung cấp cho thị trường trong và ngoài huyện. Công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng cũng được đẩy mạnh, tỷ lệ che phủ rừng đã đạt 95%, trồng chè, trồng rừng đã góp phần không nhỏ trong tăng thu nhập, phát triển kinh tế của bà con nơi đây.

 

Văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tích cực đối với đời sống đồng bào dân tộc, nhận thức được nâng cao, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan được đẩy lùi. Thiết chế văn hóa thôn bản nhà văn hóa, tủ sách, sân chơi thể thao được xây dựng đầy đủ đảm bảo sinh hoạt văn hóa, cộng đồng cho nhân dân. Các giá trị văn hóa truyền thống như cồng chiêng; các môn thể thao truyền thống, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, ném còn; các điệu múa hát dân tộc Mường đã và đang được khôi phục đi vào đời sống cộng đồng.

 

 Cơ sở hạ tầng giáo dục được đầu tư xây dựng theo hướng chuẩn quốc gia đáp ứng được công tác dạy và học đối với học sinh dân tộc trên địa bàn, tỷ lệ học sinh chuyển lớp, chuyển cấp đạt trên 95%. Lĩnh vực y tế được quan tâm, các xã đều có đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, trạm y tế các xã đều đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế, công tác tiêm chủng và khám chữa bệnh cho nhân dân được đảm bảo, không có dịch bệnh xẩy ra trên địa bàn các xã miền núi.

 

 

Mô hình trồng hoa Ly mang lại giá trị kinh tế cao 

Với sự quan tâm của Thành phố và của huyện Thạch Thất, sự nỗ lực cố gắng của đồng bào các dân tộc, 3 xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung đến nay không còn thôn đặc biệt khó khăn, kết quả có được này là sự thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc như các chương trình 134, 135; chính sách vay vốn tín dụng; chính sách đưa thông tin tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và các chính sách đặc thù của Thành phố như kế hoạch 166. Đến nay thu nhập bình quân đầu người của ba xã là 24 triệu đồng/ năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,6% .  

 

Công tác xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Tiến Xuân và xã Yên Bình đã đạt đủ 19/19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới vào năm 2015; xã Yên Trung đang tiếp tục phấn đấu để về đích nông thôn mới vào cuối năm 2016 này. Có thể khẳng định, những kết quả trong xây dựng nông thôn mới mà ba xã Miền núi đã đạt được là một sự chuyển mình lớn trong 8 năm qua.

Những năm tiếp theo, huyện Thạch Thất tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, phát triển ngành chăn nuôi, trồng trọt theo hướng công nghệ cao, xây dựng các khu chăn nuôi, sản xuất sạch thân thiện môi trường; xây dựng đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện thực tế, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc; đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn ba xã.

 

Phát huy những kết quả đạt được trong 8 năm qua, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền từ Trung ương, Thành phố, huyên tin rằng ba xã miền núi Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung sẽ phát triển nhanh, bền vững, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới ở mức cao hơn.

Rời 3 xã miền núi, chúng tôi gặp nhiều xe tải chở nông sản và gia súc gia cầm đi các tỉnh tiêu thụ, người hỏi thăm đến trang trại lợn rừng, trang trại trồng rau hữu cơ không dùng thuốc hóa học để thăm quan ký kết hợp đồng, những điều ấy, khiến chúng tôi thấy phấn chấn và tin tưởng vào sự chuyển mình của 3 xã miền núi. Với những thành tựu đã đạt được như ngày hôm nay và điều kiện tự nhiên thuận lợi sẵn có, những con người nơi đây nhất định sẽ xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 

Thảo Linh

Gửi bình luận

Hãy sử dụng tiếng Việt có dấu khi viết bài


Loại Mua Bán

Đ?ẩm:

°C

Đ?ẩm:

°C