Mỗi khi ghé thăm một địa điểm du lịch hay một danh thắng nào đó, chúng ta đều không thể không mua quà , kỷ niệm cho mỗi chuyến đi. Một vài vật lưu niệm, một vài món quà bánh đặc sản địa phương như : Bánh Chè lam, bánh mè xửng, bánh dầy, bánh xu xê, bánh cáy, bánh cu đơ … Và chẳng biết từ khi nào món bánh chè Lam – một loại quà quê dân dã lại trở thành ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách mỗi khi ghé thăm chùa Tây Phương cổ kính.
Chè Lam Thạch Xá – Thạch Thất – Hà Nội, một đặc sản ẩm thực dân dã, từ lâu đã có sức hút đối với người tiêu dùng bởi sự kết hợp hài hòa của các sản vật thân thuộc từ đồng đất quê hương. Đặc biệt, với những người con xứ Đoài ở xa, khi được thưởng thức phong chè lam – món quà quê cùng với chén nước trà nóng, sẽ cảm nhận rõ hơn vị quê hương nồng ấm, đậm đà ẩn trong hương nếp, mật mía lẫn vị gừng cay sâu nặng tự thuở nào.
Nguyên liệu để làm chè lam không phức tạp , nhưng phải biết cách chọn nguyên liệu và chế biến nó. Làm chè lam cần bột nếp, đường kính và mạch nha. Để dậy hương cho bánh người ta dùng thêm những gia vị khác như gừng tươi, bột quế, lạc rang.
Cách chọn lúa nếp là công việc quan trọng bước đầu, phải chọn loại giống nếp cái hoa vàng, nếu không cũng phải là nếp nhung. Loại lúa này có hương vị thơm và dẻo. Quy trình chế biến chè lam là sự tinh tế đặc biệt của người dân Thạch Xá, đòi hỏi người chế biến phải đúng quy trình. Công đoạn đầu tiên là rang thóc nếp, rang đều tay, chú ý đun nhỏ lửa, ngọn lửa nhỏ đều. Rang thóc bằng chảo gang, dùng đũa cả, đảo thóc nở đều thì mới có bỏng nổ đều và trắng ngon. Sau đó đem bỏng ra nghiền thành bột. Dùng Rây lọc bột hạt nhỏ, làm sao khi mó tay vào bột phải thấy mát, mịn là được.
Khâu thứ hai là chọn và chế biến các loại gia vị, nếu bánh làm bằng đường thì phải chọn đường tinh trắng không có sạn. Còn làm bằng mật thì phải là mật mía de. Loại chè lam được làm bằng mật mía de thì vừa có hương thơm của mật, lại vừa có hương thơm của mùi bột lúa nếp, và nấu với mạch nha. Nấu khi nào nhúng đũa vào, rút ra thấy mật kéo thành dây mảnh sáng như gương là được.
Khi đun được mật thì cho bột nếp, lạc rang, gừng tươi … cùng một số hương liệu khác quấy đều. Sau đó đổ ra nhào kỹ cho tới khi bánh dẻo đều,có độ dẻo quánh. Bánh chè lam để được lâu, cũng là ở khâu canh mật, luyện nhào thật kỹ, mịn. Bánh chè lam có vị và hương thơm giản dị nhưng cũng khá đặc biệt. Chính sự đơn giản ấy đã tạo nên hấp dẫn riêng. Đó là vị dẻo thơm từ bột gạo nếp, kết hợp với vị ngọt ngào vừa phải của mật và chút cay thơm của gừng, bùi ngậy của lạc.Ngày nay do nhu cầu thị trường lơn , nên hầu hết các xưởng làm bánh chè lam ở Thạch Xá đều đưa cơ giới vào, như máy xay bột, máy nhào bánh…vừa đỡ tốn sức lao động vừa đạt năng suất cao. Điều quan trọng nhất gọi là bí quyết nhà nghề là khâu pha trộn nguyên liệu và khâu nấu bánh . Phải giữ được đủ hương vị của các loại nguyên liệu và tạo được hương vị đặc trưng của làng nghề.Chính nhờ thực hiện đúng những điều ấy mà làng nghề Thạch Xá đã mở rộng quy mô sản xuất và thu nhập hàng năm thành nguồn thu chủ yếu của xã ■
Cấn Thị ThơmLoại | Mua | Bán |