Lễ hội làng Tx (ngoại thành) quê anh Chung bạn tôi, khai mở từ 6h sáng, đến 11h là hoàn thành. Tôi xin phép ra về thì anh níu lại, bắt tôi phải ở lại dự bữa cỗ với bà con.
Có cách nào từ chối được trước thịnh tình của anh và còn đang dùng dằng thì bị ấn xuống mâm cỗ vừa từ trong đình bưng ra. Sân đình rộng thênh, trải kín chiếu hoa, trong chốc lát đã sắp đủ hai chục mâm cho các quan viên dự lễ và đại diện các gia đình.
Tôi để ý thấy hai chục chiếc mâm đặt cỗ thấy đều là gỗ tiện tròn, cũ kỹ, đã tróc nước sơn. Trên mâm, bát đĩa cũng đều là bát đĩa cổ, dầy nặng, trang trí hoa văn xanh. Cỗ không linh đình nhưng cũng không đến nỗi đạm bạc. Một đĩa giò lụa xắt nan 6 miếng, một đĩa sáu miếng chả quế hình con thoi. Chủ lực còn có một đĩa thịt gà chặt to, ước lượng cũng năm sáu miếng và một đĩa thịt lợn ba chỉ luộc thái mỏng tan như dán vào mặt đĩa. Chen chúc ở rìa mâm còn là một bát sĩ điều miến, một bát canh măng, một đĩa dứa xào gà. Đặt ở cạnh hai bát sĩ điều là sấp giấy lau miệng đỏ và mấy cái túi ni lông hồng.
Như mọi mâm, mâm tôi sáu người. Tôi, Chung và hai ông già, hai bà lão. Thấy họ cứ đà đẫn. Chung cầm đũa động cạnh vào mâm, rồi chỉ vào bát canh măng chủ động:
- Mời các cụ ạ.
- Mời ông. Mời các ông bà.
Đáp lời Chung, cả bốn cụ cùng nâng bát. Tôi đang vội, nên sau khi có lời mời mọi người, liền thọc đũa vào đĩa xào. Ý tứ tôi bỏ qua miếng gan, miếng tiết, chỉ gắp vào bát miếng dứa nhỏ và vào miệng.
Mời các cụ ạ, tự nhiên ạ.
Chung lại trỏ đũa vào bát canh miến cất tiếng. Và khi thấy hai ông già và hai bà lão theo lời mời của Chung đều thọc đũa vào bát canh miến, tôi liền nghĩ, thôi thế là thủ tục ban đầu đã qua, bay giờ thì cứ tự nhiên mà ăn thôi. Nghĩa là anh thích ăn gì thì gắp. Vả lại lính tráng có suất, giò, chả đều đã chia đủ sáu phần rồi đó thôi.
Nghĩ vậy, lại muốn kết thúc chóng vánh bữa ăn để còn về, nên tôi đành mạn phép các cụ tiếp tục gắp mấy miếng ở đĩa dứa xào lòng gà nữa. Và sau đó, bắt chước Chung, tôi giành thế chủ động, quy đầu đũa vào đĩa giò, gắp lên một trong sáu miếng bỏ vào bát một cụ già ngồi gần mình, với ý định sẽ lần lượt gắp phần giò cho đủ từng vị thực khách rồi sau đó mới đến lượt mình.
Tôi đâu có ngờ,cụ bà ngồi cạnh vừa nhận ra nhã ý của tôi định gắp cho miếng giò đầu tiên, đã lập tức ôm bát vào lòng, quay ngoắt đi và không chỉ có thế, cụ bà còn phóng hai con mắt tức tối vào mặt tôi, khiến tôi có cảm tưởng mình đã phạm phải một lỗi lầm không thể tha thứ. Tôi đã mắc phải một lỗi lầm, đúng thế, vì ngay lúc đó tôi còn nhận được những cái lườm giận dỗi của bà cụ còn lại và hai ông già.
Đặt miếng giò trở lại đĩa, tôi nhận ra cả hai ông già và hai bà lão đều đã buông đũa, lấy giấy lau mồm, rồi sau đó kéo ra mấy cái túi ni lông giắt ở cạnh mâm, rồi buông rộng miệng chúng ra.
Bữa cỗ kết thúc, hai bát canh hết sạch, đĩa dứa xào vơi tí chút vì mất miếng gắp của tôi. Còn giò, chả, thịt gà, thịt lợn vẫn nguyên si. Chúng và đĩa dứa xào được chia đều vào sáu túi ni lông. Tôi cũng được một túi ngoắc vào ghi đông xe đem về.
Bữa cỗ hội làng tháng giêng năm ấy đã cách đây hơn chục năm, nhưng tôi vẫn còn thấy vương trên da mặt vết lườm của mấy ông cụ bà lão cùng mâm. Bữa cỗ ấy đã cách đây lâu rồi, từ thời cuộc sống còn nghèo nàn thiếu thốn lắm. Còn bây giờ? Tôi hỏi, Chung nói “vẫn thế!” thế là vẫn nghèo nàn, thiếu thốn hay đó là cái tục ăn cỗ lấy phần, người đi ăn không quên người ở nhà, vừa đáng yêu vừa tội nghiệp.
Loại | Mua | Bán |