Xây dựng nông thôn mới

Lại Thượng-Xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP

(22:40:00 03/10/2024) Xã Lại Thượng, một trong những địa phương đang tập trung nỗ lực, phấn đấu về đích Nông thôn mới nâng cao năm 2024. Lại Thượng đang từng bước thay đổi diện mạo nhờ sự nỗ lực trong phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm).

Trong bối cảnh nền kinh tế nông thôn ngày càng hội nhập và phát triển, việc xây dựng các thương hiệu sản phẩm đặc trưng là một yếu tố quan trọng không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn góp phần cải thiện đời sống người dân, tạo việc làm và thúc đẩy sự phát triển bền vững ở địa phương. 

Quang cảnh xã Lại Thượng

Trong xây dựng NTM nâng cao, Lại Thượng chú trọng hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống người dân, Tiêu biểu như phát triển các sản phẩm OCOP thương hiệu nấm và mộc nhĩ làng Vàng của gia đình anh Chu Văn Tân tại thôn Hoàng Xá, mô hình Thanh Long ruột đỏ của gia đình anh Vương Văn Hải- thôn Ngũ Sơn. 
Câu chuyện về cơ duyên đến với nghề nấm của anh Chu Văn Tân
Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề nấm, Anh Chu Văn Tân cho biết: Anh khởi nghiệp với chuyên ngành kế toán ngân hàng, nhưng sau khi ra trường, anh lại có một cơ duyên khác để đến với nghề nấm. Anh nhận thấy trong một chuyến đi lên Mộc Châu, Sơn La, nhiều người vứt bỏ lõi ngô, thân ngô ven đường, suối, gây ô nhiễm môi trường. Anh tự hỏi tại sao những sản phẩm này, vốn là nguyên liệu đầu vào cho ngành trồng nấm, lại bị bỏ đi một cách lãng phí như vậy. Trong khi đó, nấm lại là một sản phẩm có giá trị cao. Từ đó, anh quyết định tìm hiểu sâu hơn về nghề trồng nấm và quyết định về Viện Di truyền học và quay lại Mộc Châu phát triển nghề trồng nấm.
6 năm trồng nấm tại Mộc Châu anh đã tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm. Cũng thời điểm này, anh nhận thấy quê hương mình cũng có rất nhiều rơm rạ và mùn cưa dư thừa bị bỏ. Anh muốn đóng góp cho quê hương mình, nơi anh đã sinh ra và lớn lên, nên quyết định quay về đây để phát triển nghề trồng nấm. Anh nhận thấy vùng đất Lại Thượng này có nhiều đất, rất phù hợp để phát triển nghề nấm.
Từ năm 2020, anh chuyển về Lại Thượng để phát triển quy mô sản xuất, tập trung vào các loại nấm mộc nhĩ và nấm sò. Chi phí đầu tư ban đầu với mô hình khá lớn, chủ yếu là chi phí hạ tầng, bao gồm đất đai, xây dựng nhà xưởng và mua thiết bị, mỗi phòng trồng nấm cần có điều hòa, quạt thông gió, và hệ thống phun sương. Hiện nay, gia đình anh sản xuất ba loại nấm sò: sò trắng, sò vàng và sò nâu; mộc nhĩ gia đình phát triển vào mùa khô. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề trồng nấm và mộc nhĩ, gia đình anh đã không ngừng cải tiến quy trình sản xuất, chú trọng đến chất lượng sản phẩm và áp dụng các tiêu chuẩn OCOP để xây dựng thương hiệu. Nguyên liệu chính của quy trình sản xuất là mùn cưa gỗ cao su và keo, bổ sung thêm vi chất như gạo và ngô. Sau khi phối trộn, mùn cưa được đóng vào bao nilon và hấp trong vòng 18 giờ để tiệt trùng. Giống nấm sau đó được cấy vào và đưa vào phòng ươm sợi, nơi nhiệt độ và độ ẩm được điều chỉnh thích hợp để nấm phát triển. Anh cam kết sản xuất nấm trong môi trường sạch, không sử dụng hóa chất hay chất bảo quản. Sau thu hoạch, nấm được bảo quản trong môi trường lạnh để đảm bảo chất lượng.
Anh Chu Văn Tân- chủ thương hiệu nấm làng Vàng
 
Thương hiệu nấm, mọc nhĩ của gia đình anh Tân đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, nhờ quy trình sản xuất sạch và an toàn. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự thành công của mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường và xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương. Quy trình này không sử dụng hó chất hay chất bảo quản và sản phẩm được thu hoạch từ môi trường sạch. Sau thu hoạch, nấm được bảo quản trong môi trường lạnh để đảm bảo chất lượng. Mỗi ngày, gia đình anh thu hoạch khoảng 50 kg nấm sò, bán buôn với giá khoảng 40.000 đồng/kg, tổng doanh thu mỗi ngày khoảng 2 triệu đồng, sau chi phí riêng cây nấm cũng cho thu lời khoảng 20 triệu/tháng. Mộc nhĩ, anh thu hoạch một vụ trong năm, với sản lượng khoảng 10 tấn mỗi năm. Đặc biệt, cơ sở sản xuất gần thủ đô nên thị trường tiêu thụ chủ yếu là các chuỗi siêu thị và các đầu mối bán lẻ. Anh cũng đang phát triển kênh bán hàng online để mở rộng thị trường. Hiện tại, mỗi phòng sản xuất có thể chứa khoảng 6.000 phôi nấm, với ba phòng hoạt động, tổng cộng là 18.000 phôi. Anh đang tiếp tục mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt là trong dịp Tết.
Anh Tân chia sẻ về lâu dài, gia đình anh định hướng phát triển thêm các loại nấm khác như nấm hương, nấm đùi gà, nấm kim châm, các sản phẩm chế biến sẵn như nem nấm, ruốc nấm để gia tăng giá trị sản phẩm và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Từ mô hình nông nghiệp gia đình đến xây dựng thương hiệu OCOP
Mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi của gia đình anh Vương Văn Hải ở thôn Ngũ Sơn với tổng diện tích khoảng 7ha cũng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Gia đình trồng thanh long, nuôi vịt, cá và một số cây trồng khác như bưởi, mít. Thanh long là cây trồng chủ lực với diện tích 3 ha, mang lại thu nhập khá ổn định cho gia đình, mỗi năm thu hoạch khoảng 30 tấn.
Tuy nhiên vài năm gần đây do bất thường thời tiết cũng gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì sản lượng. Năm nay, thu hoạch thanh long của gia đình giảm xuống còn khoảng 20 tấn, giá bán buôn từ 20-30.000 đồng/ kg tùy thời điểm. Cây thanh long không đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc quá phức tạp, nhưng nếu không có kinh nghiệm, việc chăm sóc cũng sẽ gặp khó khăn. 
Lãnh đạo Hội Nông dân TP Hà Nội, huyện Thạch Thất thăm mô hình Thanh Long của gia đình anh Vương Văn Hải
Anh Vương Văn Hải cho biết, để cải thiện chất lượng sản phẩm, ngoài việc chăm sóc cây trồng, gia đình anh còn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tham gia vào chương trình OCOP để nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm. Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị thương hiệu mà còn giúp gia đình anh đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Nhờ vậy quả Thanh Long của gia đình anh được nhiều khách hàng lựạ chọn, sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. 
Sản phẩm Thanh Long xã Lại Thượng tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm O COP
Câu chuyện xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP tại xã Lại Thượng không chỉ là câu chuyện về những nỗ lực của các chủ thể trong việc phát triển kinh tế mà còn là minh chứng cho sự kết nối giữa bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới nâng cao. Với các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, xã Lại Thượng đang dần khẳng định được vị thế của mình trong việc phát triển kinh tế địa phương theo hướng bền vững, góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển cộng đồng./.
 

Vũ Vân

Gửi bình luận

Hãy sử dụng tiếng Việt có dấu khi viết bài


Loại Mua Bán

Đ?ẩm:

°C

Đ?ẩm:

°C