Xã hội

Lễ hội truyền thống đình làng Phú Lễ - Cần Kiệm: Sợi dây nối kết các thế hệ người con quê hương

(08:36:00 10/02/2025) Trong 2 ngày 8,9/2 (tức ngày 11,12 tháng Giêng) cán bộ và nhân dân thôn Phú Lễ - xã Cần Kiệm đã long trọng tổ chức lễ hội truyền thống. Lễ hội truyền thống làng Phú Lễ năm Ất Tỵ 2025 được đánh giá có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với nhiều chương trình hấp dẫn, đặc sắc.

 

Lãnh đạo Trung tâm Văn hoá Thông tin và Thể thao huyện tặng hoa chúc mừng

Đình làng Phú Lễ là một trong những “điểm tựa” tinh thần, gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt cộng đồng, đời sống tâm linh của bao thế hệ người con trong làng Phú Lễ. Theo các cụ cao niên kể lại, đình làng Phú Lễ - xã Cần Kiệm được xây dựng đầu tiên vào khoảng năm 1690-1692, mang kiến trúc đặc sắc thời Hậu Lê. Trải qua thăng trầm của lịch sử và biến thiên của thời gian, đến năm 1953, nhân dân làm đình mới, đình tuy không đồ sộ như ngày xưa, nhưng vẫn giữ được nét cổ kính. 

Đồng chí Nguyễn Hữu Hải – Bí thư Đảng uỷ xã đánh trống khai hội

Lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 11, 12 tháng Giêng nhằm tưởng nhớ danh thần nổi tiếng nhà Mạc – Nguyễn Kính, quê ở xã Dị Nậu (nay là xã Lam Sơn) được nhân dân Phú Lễ thờ tại Đình làng cùng với 3 vị thành hoàng làng thời Vua Hùng thứ 18.   

Sau nhiều năm việc tổ chức lễ hội bị gián đoạn do dịch bệnh, thể theo nguyện vọng của nhân dân, năm 2025, Lễ hội đình làng Phú Lễ được long trọng tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Lễ hội được tổ chức với phần Lễ long trọng, trang nghiêm, sáng sớm ngày 11 tháng Giêng, nhân dân 2 làng Phú Lễ và Phú Đa đã tổ chức rước kiệu ra Miếu đầu làng để thực hiện các nghi thức tế thần. Sau đó, diễn ra các nghi thức tế thờ đêm, dâng hương. 

Màn múa lân sư rồng ấn tượng tại lễ khai hội

Phần Hội ấn tượng, vui nhộn với nhiều chương trình, trò chơi. Không gian lễ hội truyền thống được tái hiện với nhiều trò chơi dân gian như: vật, bịt mắt bắt dê, đập niêu, kéo co. 

Các trò chơi dân gian trong khuôn khổ lễ hội

Một trong những điểm nhấn của phần Hội là chương trình nghệ thuật do Nhà hát chèo Hà Nội biểu diễn. Tham gia chương trình có sự hiện diện của các Nghệ sỹ nổi tiếng như: NSND Thuý Mùi – Nguyên Giám đốc Nhà hát chèo Hà Nội, Chủ tịch Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam khoá 9; NSND Thuý Hường; NSUT Hạnh Ngân; NSUT Diệu Hương…và những người con ưu tú của làng Phú Lễ. 

Trích đoạn “Đôi lứa xứng đôi” do Nam Cường, Thuý Hằng và NSUT Ngọc Ánh biểu diễn; trích đoạn chèo “Lý trưởng mẹ mõ” do NS Hồng Thắng, Bạch Yến và 3 giá văn Chầu đệ nhị, Ông Hoàng 10 và cô đôi thượng ngàn cầu cho mưa thuận gió hoà, muôn dân trăm họ ấm no, hạnh phúc … đã để lại cho khán giả nhiều ấn tượng sâu sắc. 

Các tiết mục đặc sắc trong chương trình nghệ thuật

Giải vật truyền thống cũng là một hoạt động mang tới sự hấp dẫn cho lễ hội truyền thống đình làng Phú Lễ do có cơ cấu giải thưởng giá trị cao thu hút nhiều kiện tướng, vận động viên quốc gia có tên tuổi trong làng đấu vật Việt Nam từ các tỉnh, thành trên cả nước (Bắc Ninh, Nam Định, Hà Nội…) tham gia với Giải Nhất trị giá lên tới 22,2 triệu đồng, giải Nhì 16,3 triệu đồng, giải Ba 16,9 triệu đồng. Theo đánh giá chuyên môn, giải đấu vật Lễ hội truyền thống làng Phú Lễ là giải đấu bài bản, chất lượng. Nhiều trận đấu gay cấn ngay từ các hiệp đấu của giải Lèo với những miếng đánh kỹ thuật cao, nhiều trận đấu các đô vật giằng co đến những hiệp cuối cùng mới phân định được thắng thua. Kết quả, 37 đầu lèo đều được phá. Theo quy định tại Giải vật dân tộc lễ hội đình Phú Lễ, các đô vật phải thắng ở giải Lèo mới được tham gia tranh các giải Ba, giải Nhì và Giải Nhất.

Giải vật dân tộc lễ hội truyền thống làng Phú Lễ được đánh giá cao

Ông Nguyễn Văn Hải – Trưởng thôn Phú Lễ cho biết: Lễ hội đình làng từ lâu đã đi sâu vào trong tâm thức của người dân trong làng, góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị của di tích. Để làm nên thành công của lễ hội đình làng Phú Lễ là sự chung tay, góp sức của những người con quê hương. Từ già, trẻ, gái, trai đóng góp tuỳ theo sức của mình, những người con xa quê hương cũng đã ủng hộ vật chất, tinh thần để tổ chức lễ hội. Đặc biệt, phần vận động các nguồn lực, ngoài các doanh nghiệp và cá nhân, còn có 33 hội đồng niên trong làng từ tuổi 2004 - 1970 tham gia ủng hộ và nhận các phần việc.

Hoà mình vào không gian lễ hội đình làng Phú Lễ, những giá trị cổ truyền, xưa cũ được bao thế hệ người con trong làng lưu giữ dường như hiện hữu một cách sống động. Đó chính là cách mà thế hệ trước trao truyền những giá trị tuyền thống tốt đẹp, giáo dục tình yêu quê hương đến với thế hệ sau, đồng thời, gắn kết tình làng nghĩa xóm thêm khăng khít, bền chặt cùng đoàn kết xây dựng quê hương thêm giàu đẹp, văn minh./.

 

Hoa Phượng - Thu Thuỷ

Gửi bình luận

Hãy sử dụng tiếng Việt có dấu khi viết bài


Loại Mua Bán

Đ?ẩm:

°C

Đ?ẩm:

°C