TẬP TRUNG ỨNG PHÓ KHẨN CẤP BÃO SỐ 3
(14:20:00 07/09/2024)
Ngày 7/9/2024, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng đã ký ban hành Công điện số 02 về việc việc tập trung ứng phó với cơn bão số 3.
Công điện nêu rõ: Theo tin Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ: Hồi 07 giờ ngày 07/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc, 108,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, cách Quảng Ninh - Thái Bình 150km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15 - 20km/h.
Tác động của bão số 3 sẽ gây gió mạnh và mưa lớn trên địa bàn Thành phố và huyện. Gió cấp 5, cấp 6 sau tăng lên cấp 7, cấp 8, giật cấp 10. Gió mạnh có thể làm tốc mái, hư hại nhà cửa, làm đổ, gãy cây cối, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. Từ ngày 07/9 đến ngày 09/9 Thành phố Hà Nội có mưa to đến rất to, lượng mưa từ 200-300mm, có nơi trên 400mm. Mưa lớn trong thời gian ngắn có thể làm ngập úng cục bộ các khu dân cư, đường giao thông ở các khu vực trũng thấp, gây ra sạt lở đất ở các xã vùng đồi, núi, mực nước sông Tích dâng cao vượt báo động 3, xuất hiện lũ trên sông Tích, ảnh hưởng đến các tuyến đê Tích. Mưa lớn có thể gây ngập úng cây trồng, làm đất trở nên bão hoà nước, cây trồng dễ bị đổ, gãy. Trong mưa lớn có thể kèm theo dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, công trình giao thông và cơ sở hạ tầng.
Thực hiện Công điện số 11/CĐ-UBND ngày 06/9/2024 của Chủ tịch Ủy UBND Thành phố Hà Nội về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất yêu cầu:
1. Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện căn cứ lĩnh vực công tác (theo Quyết định số 1902/QĐ-UBND ngày 17/4/2024 của UBND huyện về việc phân công nhiệm vụ cho các thành viên của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Thạch Thất), nội dung công việc, đơn vị và lĩnh vực phụ trách (theo Quyết định của UBND huyện Thạch Thất về việc phân công nhiệm vụ của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, nhiệm kỳ 2021-2026), chủ động xuống các đơn vị, địa bàn trọng điểm, các khu vực xung yếu để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ, thiên tai và sự cố.
2. Thủ trưởng các phòng, ban, ngành của huyện căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được phân công, phụ trách (theo phân công lĩnh vực phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và các lĩnh vực quản lý nhà nước), chủ động xuống hiện trường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ, thiên tai, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với mưa, bão, lũ, thiên tai với tinh thần phải chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng người dân, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương; hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai để kịp thời tham mưu, chỉ đạo và thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các xã, thị trấn, Nhân dân chủ động phòng, tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn:
- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Thành phố và Huyện trong công tác phòng ngừa, ứng phó với siêu bão số 3, đặc biệt là: Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 05/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ; Điện chỉ đạo ngày 05/9/2024 của Thường trực Thành ủy; các chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố tại: Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 02/02/2024 của UBND Thành phố Hà Nội về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội và Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 04/9/2024 của UBND thành phố Hà Nội về chủ động ứng phó với cơn bão số 3; Thông báo số 1343-TB/HU ngày 06/9/2024 của Thường trực Huyện uỷ về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3 trên địa bàn huyện. Công điện số 01/CĐ-UBND ngày 06/9/2024 của Chủ tịch UBND huyện về chủ động ứng phó với cơn bão số 3; Văn bản số 1761/UBND-KT ngày 04/9/2024 của UBND huyện về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3.
- Rà soát kỹ, triển khai ngay công tác đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven sông, khu vực có nguy cơ ngập sâu do mưa, lũ; khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét không đảm bảo an toàn; khu vực có nguy cơ mất an toàn do hệ thống điện, công trình, cây xanh gãy, đổ…; kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để đảm bảo tính mạng cho người dân); đặc biệt lưu tâm đến các trường hợp, khu vực đã xảy ra sự cố, thiệt hại đáng tiếc về người trước đây liên quan đến tai nạn khi đi qua khu vực bị ngập sâu, ngầm tràn, đánh bắt cá, vớt củi…; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, triển khai hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đặc biệt các xã ven Tích có các khu vực trũng thấp, các xã có nguy cơ sạt lở núi, ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang.
- Đối với các công trường xây dựng nằm trên địa bàn xã, thị trấn: Tiến hành kiểm tra, rà soát các công trường xây dựng trên địa bàn, đặc biệt lưu ý đến các công trình có thiết bị, vật tư dễ bị ảnh hưởng bởi gió, bão như: cần cẩu tháp, giàn giáo và các thiết bị xây dựng có độ cao. Yêu cầu các công trường phải có phương án (biện pháp) đảm bảo an toàn phòng, chống bão, người lao động phải được trang bị đầy đủ kiến thức và thiết bị bảo hộ. Yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu thi công bố trí lực lượng ứng trực tại công trường, đảm bảo có người giám sát, theo dõi diễn biến thời tiết và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. Các cần cẩu tháp phải được hạ thấp, gia cố, đảm bảo an toàn, không để xảy ra tình trạng đổ sập gây nguy hiểm cho người và tài sản xung quanh.
- Đối với biển quảng cáo: Cử lực lượng rà soát, kiểm tra, yêu cầu các gia đình có biển quảng cáo tấm lớn phải đảm bảo an toàn, gia cố chắc chắn, có biện pháp phòng, chống gió mạnh, yêu cầu các chủ sở hữu biển quảng cáo thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn trong điều kiện thời tiết bất lợi, kiên quyết hạ gỡ hoặc buộc chặt các biển quảng cáo có nguy cơ mất an toàn.
- Thường xuyên kiểm tra các trọng điểm xung yếu, đảm bảo an toàn công trình đê điều, thủy lợi, an toàn giao thông, phòng chống thiên tai, hạn chế thiệt hại về nhà ở, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản, chống úng ngập trong khu công nghiệp, khu dân cư và nội đồng.
- Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi có bão, lũ, úng ngập.
- Chỉ đạo lực lượng canh đê, gác cống tổ chức ứng trực 24/24h, thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện các sự cố đê điều để kịp thời xử lý, hoành triệt cống theo quy định.
- Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện nếu chủ quan, lơ là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ dẫn tới thiệt hại lớn về người và tài sản.
4. Ban Chỉ huy quân sự, Công an huyện:
- Ban chỉ huy quân sự huyện: Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện để sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết.
- Công an huyện: Triển khai phương án đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn huyện; tăng cường triển khai các phương án phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở, công trình trọng điểm, các khu dân cư có nguy cơ mất an toàn do thiên tai, sự cố; hướng dẫn, phân luồng, điều tiết giao thông khi bão số 3 đổ bộ và ảnh hưởng.
5. Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện: Tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả mưa, bão, lũ, thiên tai liên quan đến môi trường, tài nguyên nước. Kiểm soát chặt chẽ nguồn nước sinh hoạt để đảm bảo không bị ô nhiễm do tác động của mưa, bão, lũ đặc biệt ở các thôn, xóm, khu vực bị ngập lụt. Kiểm tra các bãi rác, chỉ đạo gia cố tránh để bão gây ra tình trạng tràn, phát tán rác thải, chất thải nguy hại ra môi trường.
6. Phòng Lao động TBXH huyện: Kiểm tra công tác dự trữ hàng hoá, nhu yếu phẩm cần thiết để sẵn sàng cứu trợ cho nhân dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 khi có chỉ đạo của Huyện uỷ, UBND huyện.
7. Phòng Quản lý đô thị huyện: Sẵn sàng huy động phương tiện tham gia xử lý khi có sự cố đê, đập, chở nhân dân đi sơ tán khi có chỉ đạo của UBND huyện. Phối hợp các đơn vị, các xã, thị trấn đảm bảo giao thông tại các điểm ngập úng, kịp thời giải toả cây xanh ở các khu vực bị đổ, gãy, không để ùn tắc giao thông trên các trục đường giao thông do huyện quản lý.
8. Phòng Y tế huyện: Phối hợp với các cơ quan liên quan sẵn sàng vật tư y tế, thuốc men, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ các trường hợp khẩn cấp do thiên tai, chỉ đạo vệ sinh môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh sau bão đặc biệt là các khu vực ngập úng, khu vực ảnh hưởng mưa, bão, lũ, thiên tai.
9. Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện: Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất trong những ngày xảy ra thiên tai.
10. Phòng Kinh tế huyện: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 3 để kịp thời tham mưu cho UBND huyện, BCH PCTT và TKCN huyện chỉ đạo ứng phó, tổng hợp kết quả thực hiện và tình hình thiệt hại ở các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn báo cáo UBND huyện, UBND thành phố theo quy định.
11. Phòng Văn hoá thông tin, Trung tâm Văn hóa thông tin và thể thao huyện: Đảm bảo thông tin thông suốt phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Chủ động phối hợp cơ quan chuyên môn cập nhật thông tin về diễn biến của siêu bão số 3 và tình hình mưa, bão, lũ; tăng cường thời lượng phát tin, truyền tin trên hệ thống truyền thanh để nhân dân biết, chủ động phòng tránh.
12. Giám đốc Xí nghiệp Thuỷ lợi Thạch Thất:
Chủ động vận hành các trạm bơm tiêu để sẵn sàng tiêu úng; cử cán bộ kỹ thuật kiểm tra theo dõi tình hình ngập úng của các xã, thị trấn để có biện pháp tiêu úng kịp thời nhằm bảo vệ lúa, hoa màu, vụ mùa đã gieo trồng hạn chế thấp nhất diện tích bị ngập úng.
13. Giám đốc Công ty Điện lực Thạch Thất: Ưu tiên cấp đủ điện cho các trạm bơm tiêu úng hoạt động, đảm bảo các trạm bơm tiêu vận hành ổn định, hết công suất để phục vụ tiêu úng, sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân, cảnh báo nhân dân phòng, chống điện giật.
14. Các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn: Trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo, chi tiết, đầy đủ, kịp thời tình hình diễn biến thiên tai, sự cố, các thiệt hại và công tác ứng phó, khắc phục hậu quả; kịp thời tham mưu báo cáo, đề xuất khó khăn vướng mắc và các nội dung vượt thẩm quyền theo quy định./.
Thảo Linh