NSND Tào Mạt tên thật là Nguyễn Đăng Thục, quê ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Nhớ về ông là một NSND, một tác gia chèo lớn, nhưng ít ai biết ông cũng là một nhà báo. Ông sinh năm 1930, năm 18 tuổi ông đi theo kháng chiến chống Pháp. Nhiệm vụ chính của ông là cán bộ tuyên huấn viết các bài báo, tài liệu tuyên truyền, thơ , kịch, trong các đơn vị bộ đội Sơn Tây.
Nhà báo Kiều Lan tác giả bài viết Vậy ông cũng xuất thân là một người làm công tác báo chí, tuyên truyền rồi mới trở thành nghệ sỹ. Năm nay vừa tròn 20 năm ngày mất 1993-2013, bài viết này cũng là nén hương tưởng nhớ về ông, một nhà báo- chiến sỹ- nghệ sỹ.
Đầu năm 1973, đơn vị chúng tôi (Đoàn văn công quân khu 3) được sơ tán về làng Tó, Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tôi được đơn vị cử về làm thư ký cho tác giả sân khấu Tào Mạt ở Tổng cục chính trị, để ông viết cho đơn vị một số vở đề tài chiến sỹ. Có lần về đơn vị công tác, ông đã kể “Từ năm 1947 giặc Pháp tăng cường tổ chức nhiều đợt càn, vây ráp các cơ sở cách mạng vùng đồng bằng sông Hồng, nhằm hạn chế sức chi viện của hậu phương cho chiến trường Điện Biên Phủ. Các đại đội 250, 255 bộ đội chủ lực tỉnh Sơn Tây, các đơn vị huyện đội dân quân đều phải căng ra để đánh địch. Yêu cầu bổ xung lực lượng, tổ chức học tập, chiến đấu đòi hỏi công tác chính trị tư tưởng phải đặt lên hàng đầu. Nguyễn Đăng Thục được bổ xung cho các đơn vị để viết tin, bài, động viên cán bộ chiến sỹ, dân quân du kích hăng hái tham gia đánh giặc để đăng trên các tờ báo tường của các đơn vị. Ngày đêm ông xuống các đơn vị, các địa phương, để tìm hiểu cuộc sống chiến đấu của cán bộ chiến sỹ để viết tin bài. Ông còn viết nhiều vở kịch ngắn cho những đêm liên hoan văn nghệ quân dân kết nghĩa. Hàng trăm tin bài, hàng chục vở kịch do ông sáng tác đã được đăng tải để động viên khí thế đánh giặc của quân và dân tỉnh Sơn Tây đánh Pháp. Sau ngày giải phóng Điện Biên ông được chuyển sang các đơn vị bộ đội chủ lực của quân khu 3, hoạt động khắp vùng tây bắc và đồng bằng sông Hồng .
Nhiều bài báo, nhiều vở kịch như bài viết về “Chiến thắng giặc Pháp trận Hà Nam Ninh”, “Chiến thắng Tu Vũ” đăng trên báo Quân khu 3, vở kịch “Ánh trăng đầu núi”… dần dần đưa ông đến với nghề sáng tác chuyên nghiệp và gặt hái được nhiều thành công ở thể loại sáng tác sân khấu chèo...”.
Đến ngày hẹn, tôi xuống hậu cần lĩnh tiêu chuẩn 1 tháng 21kg tem gạo và tiền ăn. Tất cả tư trang được xếp gọn trong ba lô, tôi đạp xe về khu văn công Mai Dịch, tại Cầu Giấy, Từ Liêm, Hà Nội.
Căn phòng ông ở và làm việc là phòng thư viện của nhà hát quân đội ở tầng tư. Khu nhà thiết kế có 5 tầng. Mỗi tầng có một sàn tập lớn dành cho cả kịch, hát, múa của nhà hát cùng làm việc. Tôi gặp chú ngay cửa phòng ở, đưa chú xem giấy công tác, chú bảo “ đợi tớ ở đây một lát nhé”. Tôi yên tâm ngồi đợi ngay cửa phòng. Nhưng càng đợi càng không thấy chú trở lại. Người lên xuống, ra vào sàn tập ồn ào. Cứ mỗi lần có tiếng chân người lên cầu thang là tôi lại nhấp nhổm ngóng chú…và đúng 11giờ trưa, chú mới trở lại. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất là chú hỏi “Cháu vẫn ở đây à, xin lỗi nhé, thôi vào đây- chú coi việc lỡ hẹn như không”. Tôi xách ba lô theo chú vào phòng, trong lòng vẫn còn ấm ức vì sự thất hẹn của chú. Sau những năm ở với chú tôi mới hiểu : chú là người quá say mê công việc, nên việc quên ăn, quên xe đạp ở nhà ăn, ở đâu đó trong đơn vị như cơm bữa. Nhưng mọi người đều biết đó là xe của chú nên cất hộ. Căn phòng chú ở rộng chừng 12m2, thì gần 1/4 là giá sách, cái giường một , bộ bàn ghế uống nước tự tạo bằng thùng đạn, một bàn làm việc và một ghế ba nan cong. Trên bàn làm việc để một khung ảnh nhỏ chụp Bác Hồ đọc bia Côn Sơn, và trên tường có treo một tấm ảnh đen trắng nhà văn Tào Ngu của Trung Quốc. Về sau này, lúc rảnh rỗi tôi hỏi về ý nghĩa 2 bức ảnh. Chú bảo “Bác Hồ đọc bia Côn Sơn là nhắc ta đừng bao giờ quên về bài học Nguyễn Trãi, đó là “Tài thường đi đôi với Hoạ”, còn ảnh nhà văn Tào Ngu là bởi chú ngưỡng mộ ông Tào Ngu về giai thoại: nhìn đời đến mức bật con ngươi mắt ra ngoài. Chú lấy bút danh Tào Mạt là lấy họ nhà văn Tào Ngu, còn tên Mạt thì chú không nói. Khu hậu cần của chú chỉ có một cái bếp dầu, hai cái xoong nhỏ, mấy cái bát, đĩa tất cả để trong cái hòm gỗ ở góc phòng. Tôi cứ nghĩ cương vị như chú - một tác gia có tên tuổi của quân đội, quân hàm đại uý lúc ấy là to rồi, mà sao chú ăn ở đơn sơ vậy. Chú lôi trong gầm giường ra một hòm gỗ đựng đạn pháo cao xạ. Dài hơn 2m, rộng chừng 80 phân, kề sát giường, chú bảo cháu nằm đây. Tôi còn đang ngơ ngác chưa biết để ba lô ở đâu , thì chú mở nắp hòm đạn ra và chỉ vào một chỗ trống “ba lô để đây”, rồi chú giải thích tiếp “ trong hòm đầu này là quần áo, ở giữa là một mô chừng 3 cân gạo, một mô chừng 1 cân mỳ sợi, 1 lọ mỳ chính nhỏ, gói muối, gia tài của chú chỉ có vậy. Tôi gọi ông bằng chú xưng cháu phần vì tuổi tác, phần vì chú từng hoạt động du kích chống Pháp với cha tôi.
Ngay sáng hôm sau chú ở nhà làm việc với tôi. Chú hỏi tôi “Có khi nào cháu nhắm mắt mà vẫn viết chưa? Tôi không hiểu. Chú bảo “Chữ viết chỉ là ký hiệu để ghi lại ý nghĩ, nên chữ viết không cần nắn nót, nhưng phải dễ đọc”. Tôi hiểu ý chú muốn nhắc tôi, khi làm thư ký cho chú. Chú bắt đầu chỉnh lý vở chèo “Bà mẹ vườn quế” một vở chú viết đã lâu về một bà mẹ ở một vùng quê, đi theo cách mạng. Công việc chủ yếu làm về ban đêm, bởi ban ngày chú phải đi họp, đi nói chuyện về nghệ thuật chèo cho các đơn vị trong, ngoài quân đội…nói chung là chú đi suốt ngày. Hàng ngày cả hai chú cháu đều ăn cơm bếp tập thể của nhà hát quân đội. Chỉ những đêm làm việc khuya, chú ra lệnh nổi lửa thì tôi mới nấu mỳ hay nấu cơm cho hai chú cháu ăn bữa nửa đêm. Cách làm việc của chú cũng rất lạ. Chú nằm trên giường, tôi ngồi dưới sàn nhà, lấy phản nằm làm bàn viết. Chú cứ đọc, có lúc chú hát mấy câu, còn tôi ghi chép lại. Nhiều đêm trời rét đậm, tôi ngồi viết, chú đọc một đoạn rồi chú ngủ, tôi vẫn phải ngồi chờ. Đến khi thấy chú ngáy đều tôi mới dám ngả lưng. Cứ như thế, hai chú cháu làm việc hết đêm này qua đêm khác. Ban ngày chú đi công tác thì tôi hoàn chỉnh lại phần đã viết đêm trước, cả những câu thoại và lời những đoạn ca của các nhân vật. Rồi vở chèo “Bà mẹ vườn quế” cũng hoàn thành đưa về cho đơn vị dàn dựng đem đi biểu diễn phục vụ bộ đội. Tôi thở phào, thế là tác phẩm đầu tiên đã hoàn thành với sự cộng tác của tôi với vai trò là thư ký của chú, vất vả nhưng mà vui.
Cam go nhất là những ngày tiếp theo chú sáng tác vở “Sông Trà Khúc” một vở chèo dài 5 hồi, 8 cảnh. Nhân vật chính là một cô giao liên cho quân giải phóng, nhưng là con Mỹ lai. Khi viết mới được hồi 1, tôi nói với chú “ cháu thấy nhân vật này có cái gì không ổn chú ạ” . Chú trừng mắt bảo tôi “ cứ viết đi” tôi lặng lẽ làm theo. Vở ấy viết mất gần 8 tháng mới xong. Nhưng khổ thay cho chú, lúc ấy vẫn chưa giải phóng miền Nam. Chú đưa kịch bản cho đoàn Văn công nào cũng không dám dựng. Mãi đến đầu năm 1975, một tác gia lớn trong làng chèo Việt Nam là nhà viết kịch Hoàng Kiều - Giám đốc nhà hát chèo Việt Nam , bạn thân với chú - nhận dựng vở này. Nhưng nhà hát chèo Việt Nam dựng xong, cũng chỉ diễn được một đêm duy nhất, để báo cáo các nhà lãnh đạo văn hoá Trung ương rồi cũng bị dẹp luôn. Tôi rất buồn và tiếc công của chú, nhưng chú vẫn rất vui ,vì vở cũng đã được lên sân khấu.
Song song với thời gian viết vở Sông Trà Khúc, tôi còn giúp chú viết vở kịch nói “Đỉnh cao phía trước”. một vở kịch dài nhưng cũng gặp trắc trở không khác gì vở “Sông Trà khúc”. Vì chú thích đi vào những vấn đề gai góc, tìm câu trả lời cho những vấn đề đương đại. Điều khác lạ nữa là, vở của chú sáng tác, thì chú không cầm bút. Nhưng nhiều hôm chú bỏ cả cơm chiều ngồi đọc,viết, sửa chữa đến tận khuya nhiều kịch bản của các tác giả nghiệp dư ở các quân khu, binh chủng gửi về, nhờ chú góp ý. Chú chữa từng lỗi chính tả, tình huống kịch đến lời thoại. Với cương vị của chú, tôi nghĩ chú có thể gọi tác giả lên, chỉ cho họ chỗ cần sửa là quý lắm rồi. Cũng có lần nhân lúc chú vui, tôi nhắc chú việc đó. Chú bảo “Họ viết được như thế là khó nhọc lắm, phải biết trân trọng công sức lao động của anh em”. Việc ấy tôi học được cái tâm của chú với mọi người, nhât là những người cầm bút.
Tết 1975 chú bảo tôi “ Khả năng, nay mai chú phải đi cùng đoàn cán bộ Cục văn hoá, Tổng cục chính trị vào miền nam tiếp quản văn hoá quân đội nguỵ, cháu phải chuyển ngành thôi”, tôi ngạc nhiên hỏi “ Đã giải phóng miền nam đâu mà chú đi” chú ậm ừ rồi lảng sang chuyện khác. Có lẽ chú không được tiết lộ thêm thông tin với tôi. Và cũng từ hôm đó chú lẳng lặng liên hệ cho tôi chuyển ngành ra khỏi quân đội. Giải phóng miền nam 30/4/1975 được 2 tháng thì tôi nhận quyết định của đơn vị, cho chuyển về công tác tại UBND huyện Thạch Thất quê tôi.
Sống với chú gần 3 năm, nhưng tôi học được ở chú nhiều điều. Chú tự học chữ Hán, mà làm thơ đường, viết thư pháp đẹp, các hoạ sỹ đất Hà thành phải đến xin chữ mang về vẽ tranh tết. Chú luôn suy nghĩ độc lập, luôn mới, sống thẳng thắn, đôn hậu. Điều đó được thể hiện rất rõ qua các tác phẩm của chú.
Do điều kiện công tác, bẵng đi 5 năm, tôi được về phân viện Báo chí tuyên truyền theo học khoá đào tạo dài hạn. Một hôm ghé qua nhà hát quân đội thăm chú. Mới gặp chú khoe luôn với tôi “ Bây giờ chú giầu to rồi”. Tôi mừng cho chú, cả đời vì công việc và chỉ lo cho người khác. Tôi đang ấp úng định hỏi về nhà cửa, tài sản gì mà chú giầu to, thì chú nói luôn “ Chú vừa hoàn thành bộ ba vở chèo “Bài ca giữ nước” đoàn chèo Tổng cục hậu cần đang dựng”. Thì ra chú muốn nói chú giầu về tác phẩm. Chính bộ ba vở chèo ấy đã đưa chú lên đỉnh cao của nghệ thuật sáng tác chèo Việt Nam, với giải thưởng cấp Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt đầu tiên. Tôi còn nhớ năm 1973 có lần ngồi uống nước chú nói “ tỉnh Bắc Ninh đang chuẩn bị thành lập nhà hát dân ca quan họ, chú sẽ bàn với Cục văn hoá xin thành lập Nhà hát chèo quân đội, phải cải tổ cái làng chèo đất bắc này”. Không biết những ấp ủ lớn lao của chú đã làm đến đâu, nhưng giữa năm 1993 một căn bệnh quái ác đã cướp đi cuộc sống của chú ở tuổi 63. Biết bao cán bộ chiến sỹ, văn nghệ sỹ trong, ngoài quân đội, bàng hoàng khi nghe tin tác giả Tào Mạt qua đời. Ông đã về với tổ tiên nhưng tài năng, tính cách, lòng bao dung của ông, làm tôi luôn nhớ về ông, một Nhà Báo- Nghệ sỹ- Chiến Sỹ./.
Kiều Lan
Loại | Mua | Bán |